Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ubmt tỉnh và thường trực HĐND tỉnh góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh

Thứ bảy - 05/11/2016 09:28
Ủy ban MTTQVN tỉnh và HĐND tỉnh cùng chung nhiệm vụ là xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, lấy lợi ích của nhân dân để phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân.
Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ubmt tỉnh và thường trực HĐND tỉnh góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh
Khoản 3, Điều 3 Luật MTTQVN ghi rõ: “MTTQVN đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân” và Khoản 1, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương ghi: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ  của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương…” Xuất phát từ đó, UBMT tỉnh luôn đề cao tính phối hợp, đặt vị trí phối hợp với HĐND tỉnh lên nhiệm vụ hàng đầu để tăng cường sức mạnh giữa cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương với cơ quan đại diện quyền làm chủ của nhân dân.

Để hoạt động đi vào thực chất, có chất lượng, hiệu quả cao, UBMT và HĐND tỉnh đã cùng nhau biên soạn và ký kết quy chế phối hợp ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa VI và được bổ sung sửa đổi vào cuối năm 2015. Nhờ có quy chế phối hợp mà cán bộ công chức của các phòng, ban của UBMT và HĐND tỉnh lấy đó làm thước đo phấn đấu vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể công tác tiếp xúc cử tri luôn xác định nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử, là cầu nối giữa đại biểu với nhân dân, sâu sát nhân dân, thông qua tiếp xúc cử tri giúp cho đại biểu Hội đồng nhân dân và UBMTTQ nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri để thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết ; đồng thời thông qua ý kiến cử tri giúp cho các cơ quan Nhà nước có cơ sở hoạch định chính sách sát hợp nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân. Mặt khác, tiếp xúc cử tri cũng là dịp để đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ thông tin chính thống về Nghị quyết của HĐND, các chính sách, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước để các cử tri tiếp cận nắm bắt và thực hiện. Xuất phát từ đó, Ban Thường trực UBMT tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND ban hành  kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau các kì họp HĐND tỉnh và đã gửi đến Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố, tổ đại biểu HĐND ở các địa phương thực hiện. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, Mặt trận đã phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri 502 điểm, tổng hợp thu thập 1.564 kiến nghị và đã thông báo tại các kì họp HĐND tỉnh  để UBND và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Nhìn chung các cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra trong không khí sôi nổi, xây dựng và trách nhiệm, thể hiện sự gắn bó giữa đại biểu HĐND với cử tri. Tuy vậy, công tác tiếp xúc cử tri chưa được đổi mới một cách toàn diện, phù hợp nên một số điểm tiếp xúc vẫn còn hình thức, tình trạng cử tri đại diện còn diễn ra.

Song song với tiếp xúc cử tri là hoạt động giám sát, đây là hoạt động được đặt lên vị trí trọng tâm và quan trọng đối với công tác của Mặt trận và công tác của Thường trực HĐND. Chức năng giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân. Khoản 5, Điều 28 Luật Mặt trận ghi rõ: “Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét vận dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Mặt trận Tổ quốc sau khi tổ chức đoàn giám sát là làm văn bản kiến nghị các ngành hữu quan xem xét. Còn giám sát của HĐND là giám sát của cơ quan quyền lực ở địa phương được thể hiện tại Điều 87 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại Khoản 4 Điều 87 nhấn mạnh: “Căn cứ vào kết quả giám sát HĐND có các quyền…”. Vì vậy, Ủy ban Mặt trận tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát được đặt ra như một nhiệm vụ không thể thiếu nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa giám sát quyền lực với giám sát nhân dân, tăng thêm sức mạnh của hoạt động giám sát. Trong nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa VI, UBMT tỉnh đã tổ chức 31 cuộc kiểm tra, giám sát công tác Mặt trận cơ sở và đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, 108 cuộc kiểm tra nguồn quỹ người nghèo. Thực hiện quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tiến hành 2 cuộc giám sát và thực hiện quy chế dân chủ trong nông thôn mới và việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh đã được đại diện ban pháp chế HĐND tỉnh tham dự và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng tại các buổi giám sát.

Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 745 cuộc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, đáng quan tâm nhất là cuộc giám sát việc sử dụng đất đai của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; qua giám sát đoàn đã phát hiện công ty Thanh Tâm nạo vét lòng hồ Trạng Đìa ở xã Gio Mỹ (Gio Linh) có dấu hiệu làm trái quy định, ảnh hưởng tài nguyên, khoáng sản. Sau giám sát, Thường trực HĐND đã kiến nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng đình chỉ và tiếp tục bổ sung hồ sơ đảm bảo quy định pháp luật. Đa số các cuộc giám sát đều có sự tham gia của UBMT tỉnh với vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Trong giám sát người đại diện của UBMT đã thể hiện vị trí của mình và tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm và tính thuyết phục cao, nhất là việc giám sát đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặt trận thường có tiếng nói đồng nhất với HĐND, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu để yêu cầu các cơ quan liên đới xem xét giải quyết. Thông qua hoạt động giám sát, Thường trực HĐND có căn cứ để trình HĐND tỉnh ban hành, sửa đổi nhiều chính sách địa phương như: y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo…góp phần khắc phục tồn tại do quá trình triển khai thiếu cơ sở căn cứ.

Có thể nói, UBMT phối hợp với HĐND tỉnh thực hiện chức năng và quyền hạn giám sát là vô cùng cần thiết. Nếu như Mặt trận và HĐND tỉnh dành thời gian nhiều hơn nữa để nghiên cứu, tổ chức ban hành kế hoạch chung để giám sát những vụ việc khiếu nại của công dân phức tạp, tồn đọng nhiều năm để kiến nghị thì hiệu quả giám sát còn cao hơn, góp phần đáng kể khắc phục tình trạng tồn đọng đơn thư trong công tác tiếp dân.

Bên cạnh đó công tác phản biện xã hội được tiến hành kịp thời, có trách nhiệm với những đề án, chương trình của HĐND tỉnh liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân đều được UBMT tỉnh tham gia phản biện trước khi trình HĐND thông qua Nghị quyết. Ngoài ra, Ban Thường trực UBMT tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Pháp lệnh số 34 và Nghị quyết số 35/2012/QHK13, hoạt động này diễn ra 2 năm 1 lần được Mặt trận các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Sự phối hợp và tạo điều kiện của HĐND tỉnh, sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân đã tạo nên không khí lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu có ý nghĩa thiết thực.

Có thể nói những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần tăng cường, phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ và HĐND tỉnh thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định. Đây cũng là tiền đề để nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa VII tiếp tục phát huy và hoạt động hiệu quả hơn, nhằm góp phần xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương Quảng Trị giàu mạnh.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Ban

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây